Trên thị trường Việt Nam hiện nay, loại trà hoa vàng đắt nhất sau khi được chế biến thành phẩm có giá từ 25 đến 27 triệu đồng/kilogram. Tại sao loại trà này có giá đắt đến như vậy?
Theo nghiên cứu của Trường Đại học Dược Hà Nội, hoa và lá của trà hoa vàng có hơn 400 thành phần hoá học an toàn và không có tác dụng phụ cho cơ thể. Trong đó, có khoảng 33,8% hoạt chất chống ung thư gồm selenium, tea polyphenol và saponin cùng một số thành phần khác như vitamin C, vitamin E, vanadium, germanium, acid amin,… Chính vì vậy, trà hoa vàng có thể tham gia vào quá trình đẩy lùi các khối u ác tính, có khả năng điều trị bệnh lý về tim mạch, gan, tiểu đường… Khi kết hợp cùng chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp, loại dược liệu quý này còn có thể đem lại hiệu quả giảm cân rất tốt.

Trà hoa vàng là một loài khá khó tính để chăm sóc, kén thổ nhưỡng, không thể trồng đại trà ở mọi nơi. Trà hoa vàng chỉ thích hợp với đất có độ pH từ 4,5 – 6,5 giàu mùn, thoát nước tốt, nơi có nhiều khoáng chất tự nhiên, tầng canh tác sâu, không bị đọng nước, môi trường đất phải sạch, không tồn dư hóa chất độc hại. Chính vì vậy, không dễ dàng để có được những vùng trồng mẫu lớn, vùng chuyên canh mẫu lớn. Sản phẩm Trà hoa vàng thương mại trên thị trường vì thế đang chưa nhiều.

NGƯỜI LƯU GIỮ “VÀNG XANH” CỦA NÚI RỪNG
“Nhà khoa học của nhà nông” – người trồng Trà hoa vàng Thái Nguyên hay nhắc tới như vậy mỗi khi có ai hỏi thăm về chị Phạm Thị Lý – người miệt mài với hành trình bảo tồn và phát triển 7 giống trà quý hiếm, góp phần mang lại sinh kế cho bà con ở nơi đây trong mấy năm qua.
Trên cương vị Giám đốc của Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển, chị Lý cùng các cộng sự đã tạo ra những giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đây, nhận thấy tầm quan trọng của nền sản xuất nông nghiệp, chị đã tham gia tìm hiểu, nghiên cứu và bảo tồn các loại dược liệu quý một cách đầy tâm huyết. Trong chặng đường tìm hiểu về vùng đất Võ Nhai, chị Lý và cộng sự nhận thấy mặc dù bị tàn phá, khai thác bán cho thương lái không ít nhưng trong rừng vẫn còn nhiều Trà hoa vàng, có cả Trà hoa đỏ và Bạch trà. Chị đã mua các loại trà hoa vàng khác nhau của những thương hiệu đến từ nhiều địa phương để dùng và trồng thử, sau đó nhận ra chính thổ nhưỡng và tài nguyên khoáng sản dưới lòng đất đã làm nên một hương vị hoàn toàn khác của trà hoa vàng Thái Nguyên. Nơi đây không chỉ nức tiếng với những ngọn đồi phủ bạt ngàn lá trà xanh, mà những bông Trà hoa vàng mọc trên sườn Đông Nam Tam Đảo với vị đượm, hương thanh cũng thật sự xứng đáng là “Đệ nhất danh trà”.

Chị Lý đã chia sẻ mong muốn của mình và được một số bạn trẻ yêu Trà hoa vàng Thái Nguyên ủng hộ. Họ kết nối chị tới những gia đình chuyên thu gom cây Trà hoa vàng trong rừng để bán cho thương lái trước kia, giờ vẫn còn lưu giữ trong vườn những cây cổ thụ. Khi biết tâm nguyện của chị Lý, các hộ gia đình đã không ngần ngại nhượng lại, với hi vọng Thái Nguyên có một mô hình Trà hoa vàng xứng đáng với tiềm năng của vùng đất này.

Chị Phạm Thị Lý chỉ nhận mình là người yêu quý, mong muốn bảo tồn và phát triển Trà hoa vàng, bởi việc phát hiện đã được PGS.TS Trần Ninh thực hiện trước đó và chính thức đặt tên cho loài Trà hoa vàng bản địa Thái Nguyên trên dãy núi Tam Đảo là Hakodae Ninh. Chị Lý đã lựa chọn loại dược liệu quý này để đưa vào “mô hình đa hệ sinh học dược liệu dưới tán rừng” mà bản thân vô cùng tâm huyết.
Nhắc đến Trà hoa vàng Thái Nguyên, chị Lý không giấu được ánh mắt tự hào và đầy xúc động. Với chị, đây không đơn thuần là một loại trà, mà còn là đứa con tinh thần – thứ giúp chị có được niềm tin của bà con vùng trồng và cũng là sản phẩm giúp rất nhiều người dân thôn Là Đông xây dựng được một cuộc sống mới. Chị giành tình yêu cho từng hạt giống, từng mầm cây, để tạo ra một khu vườn rộng hơn 10 hecta được sắp xếp khoa học, tỉ mỉ để lưu trữ “vàng xanh” của núi rừng.

Chị Lý hi vọng trong thời gian tới, Hà Nội sẽ có một vùng dược liệu chuyên canh mẫu lớn trồng Trà hoa vàng tại huyện Sóc Sơn với mô hình chuyển giao công nghệ kỹ thuật và thu mua sản phẩm để làm thương mại. Xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên có thể phát triển vùng bảo tồn Trà hoa vàng gắn với du lịch sinh thái cộng đồng, phát triển những nét đặc sắc của văn hóa bản địa vùng cao, kết hợp đa hệ sinh thái dưới tán rừng, mang lại đời sống phát triển cho bà con nơi đây.